Tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ – hướng phát triển bền vững nông sản Việt

Thực phẩm hữu cơ, an toàn đối với sức khỏe con người đã và đang thu hút sự quan tâm lớn của cộng đồng, cùng với đó, việc ban hành tiêu chuẩn phù hợp với điều kiện sản xuất sản phẩm nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam được coi là nỗ lực rất lớn của cơ quan quản lý nhằm giúp các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện sản xuất, tiếp cận thị trường nông nghiệp hữu cơ trong và ngoài nước.

Sáng ngày 20/9 tại Hà Nội, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TĐC) phối hợp với các cơ quan quản lý Trung ương, doanh nghiệp, chuyên gia chuyên ngành tổ chức Hội thảo “Tiêu chuẩn hóa thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ phát triển bền vững”. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TĐC Nguyễn Nam Hải tham dự và chủ trì Hội thảo.

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Nam Hải phát biểu tại Hội thảo.

Nỗ lực lớn của cơ quan quản lý

Phát biểu tại buổi Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TĐC Nguyễn Nam Hải cho biết, trong năm 2017, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các chuyên gia, hiệp hội cũng như nhiều đơn vị đã phối hợp xây dựng bộ tiêu chuẩn về nông nghiệp hữu cơ. Đây là bộ tiêu chuẩn thể hiện nỗ lực lớn của cơ quan quản lý nhà nước đối với việc thúc đẩy sản xuất sản phẩm nông nghiệp hữu cơ phát triển, góp phần quản lý chất lượng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

Việc ban hành tiêu chuẩn trên là một trong những nỗ lực của cơ quan quản lý. Tiêu chuẩn được xây dựng theo định hướng tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế, tuy nhiên có những điều chỉnh phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh của Việt Nam nhằm giúp các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận thị trường có hiệu quả.

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Nam Hải và các đại biểu tại Hội thảo


Cũng theo ông Hải, Tổng cục mong muốn tiếp tục phối hợp với bộ ban ngành, các chuyên gia, tổ chức tư vấn, chứng nhận… và nhiều cơ quan khác để thúc đẩy các tiêu chuẩn của nông nghiệp hữu cơ, thúc đẩy hoạt động chứng nhận, truy xuất nguồn gốc, minh bạch hóa thông tin nhằm mang lại niềm tin cho người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng, góp phần thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước thể hiện rõ trong Nghị định 109/2018/NĐ-CP của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ.

Đồng quan điểm trên, ông Lê Thành Hưng – Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam nhấn mạnh đến việc xây dựng và hoàn thiện nhóm tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về nông nghiệp hữu cơ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực với các tiêu chuẩn, quy định của một số quốc gia tiên tiến. Điều này sẽ giúp các cá nhân, tổ chức, đặc biệt là các doanh nghiệp tiếp cận thông tin, tìm hiểu và áp dụng đúng bộ TCVN về nông nghiệp hữu cơ; từ đó có những điều chỉnh kịp thời trong sản xuất kinh doanh của mình phù hợp với những yêu cầu quản lý nhà nước, xã hội, nâng cao chất lượng sản phẩm, thuận lợi cho việc tiếp cận thị trường quốc tế.

“Các tiêu chuẩn Việt Nam được công bố sẽ góp phần minh bạch hóa các hoạt động sản xuất, chế biến, chứng nhận, ghi nhãn và kinh doanh sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, tạo động lực để ngành nông nghiệp hữu cơ phát triển bền vững” ông Hưng nói.

Tại Hội thảo, TSKH. Hà Phúc Mịch – Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đã giới thiệu quá trình phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam, trong đó nhấn mạnh đến bốn nguyên tắc của nông nghiệp hữu cơ như: nguyên tắc về sức khỏe; nguyên tắc về sinh thái; nguyên tắc về sự công bằng; nguyên tắc về sự cẩn trọng.

Về nguyên tắc sức khỏe, ông Mịch cho biết, nông nghiệp hữu cơ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo và nâng cao sức khỏe của con người bởi nông phẩm hữu cơ được sản xuất không sử dụng các chất hoá học vô cơ độc hại gây nguy cơ bệnh tật và ảnh hưởng đến sự phát triển của con người, nhất là các loại thuốc phòng trừ dịch hại hoá học, kháng sinh và cách chất kích thích sinh trưởng. Ngoài ra, không chỉ có lợi đối với người tiêu dùng, nông nghiệp hữu cơ còn giúp đảm bảo sức khoẻ trực tiếp cho chính người sản xuất/nông dân. Bởi theo ông Mịch, các chất hoá học vô cơ là một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ bệnh ung thư khi người tiếp xúc bị phơi nhiễm với các hóa chất sử dụng trong sản xuất nông nghiệp hóa học.

Hướng tới sản phẩm an toàn, thân thiện môi trường

Đánh giá về thị trường thực phẩm hữu cơ tại Việt Nam, ông Vũ Hoàng Minh – Chuyên gia đánh giá thị trường, Trung tâm chứng nhận phù hợp Quacert, Tổng cục TĐC cho biết, thị trường thực phẩm hữu cơ tại Việt Nam còn mới và có nhiều rào cản dẫn tới việc thực phẩm được chứng nhận hữu cơ đang là mặt hàng xa xỉ chỉ dành cho những đối tượng khách hàng có thu nhập cao.

Chính vì vậy, việc công bố các TCVN về nông nghiệp hữu cơ có hệ thống, đưa ra các mô hình chứng nhận, thừa nhận lẫn nhau trong lĩnh vực chứng nhận, phù hợp đối với các sản phẩm hữu cơ ở trong và ngoài nước để từ đó xây dựng được một bộ tài liệu hướng dẫn áp dụng và quy trình chứng nhận sản phẩm hữu cơ phù hợp với TCVN về nông nghiệp hữu cơ là cần thiết. Điều này đặc biệt hữu ích cho các doanh nghiệp, hộ nông dân, người tiêu dùng và các tổ chức chứng nhận sự phù hợp ở trong nước để họ có cơ sở triển khai, áp dụng một cách nhất quán, minh bạch và công khai. Qua đó, gia tăng sự tin cậy lẫn nhau thông qua các cơ chế tuân thủ việc áp dụng các yêu cầu tiêu chuẩn và được chứng nhận bởi các tổ chức độc lập.

Tuy nhiên, theo ông Hà Phúc Mịch, để các tổ chức, cá nhân tham gia vào chuỗi sản xuất, tiêu thụ và sử dụng sản phẩm hữu cơ, người sản xuất cần định hướng rõ thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ của gia đình, trang trại. Bởi lẽ, mỗi một thị trường đều có các yêu cầu về tiêu chuẩn hữu cơ riêng và để đáp ứng các yêu cầu đó cần phải đảm bảo tìm hiểu thị trường, tiêu chuẩn và các quy định an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, các tổ chức chứng nhận cần nâng cao trình độ, hiểu biết trong chứng nhận hữu cơ; không bao che cho các đơn vị sản xuất chưa đạt chuẩn nhưng vẫn được chứng nhận để tránh gây méo mó thị trường và mất niềm tin của người tiêu dùng vào sản phẩm hữu cơ có chứng nhận. Ngoài ra, các nhà phân phối sản phẩm nên tìm hiểu rõ sản phẩm đang được phân phối. Về phía người tiêu dùng cũng phải tìm hiểu rõ các thông tin khi mua sản phẩm hữu cơ, thông tin chứng nhận, truy xuất nguồn gốc.

Cũng trong khuôn khổ Hội thảo, các chuyên gia đầu ngành đến từ Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Tổng cục TĐC, Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, các tổ chức tư vấn, chứng nhận, đại diện các doanh nghiệp,… đã cùng nhau chia sẻ về những chính sách mới của Chính phủ liên quan đến phát triển nông nghiệp hữu cơ, những thông tin hữu ích về bộ TCVN nông nghiệp hữu cơ. Đồng thời đề xuất các giải pháp thúc đẩy áp dụng các tiêu chuẩn trong thực tiễn, minh bạch thông tin thông qua các hoạt động chứng nhận, truy xuất nguồn gốc giúp kiểm soát chất lượng trong chuỗi sản xuất hữu cơ, giúp người tiêu dùng nhận diện được các sản phẩm nông nghiệp “chuẩn” hữu cơ.

Bên cạnh việc đề cập đến vai trò và trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thực thi các chính sách, áp dụng quy trình kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh. Phần lớn các đại biểu đều nhấn mạnh đến sự cam kết của các doanh nghiệp trong việc thực thi chính sách về thực phẩm hữu cơ, kiểm soát chuỗi cung ứng thực phẩm hữu cơ nhằm hướng tới nền nông nghiệp hữu cơ bền vững tại Việt Nam trong thời gian tới.

Phát triển nông nghiệp hữu cơ an toàn, thân thiện với môi trường là nền tảng phát triển bền vững cho nông sản Việt.
Theo Ban tổ chức, Tổng cục TĐC đã tổ chức xây dựng bộ Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về nông nghiệp hữu cơ và trình Bộ KH&CN công bố vào cuối năm 2017 với số hiệu TCVN 11041:2017. Nhóm các tiêu chuẩn đầu tiên trong bộ tiêu chuẩn này bao gồm Phần 1, 2, 3 của tiêu chuẩn TCVN 11041 đề cập một cách toàn diện tới quá trình sản xuất, chế biến, ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và các hướng dẫn cụ thể về nội dung này trong hoạt động trồng trọt và chăn nuôi và tiêu chuẩn TCVN 12134 đưa ra các yêu cầu đối với tổ chức đánh giá, chứng nhận hệ thống sản xuất và chế biến sản phẩm hữu cơ. Các tiêu chuẩn này khi được phổ biến và đưa vào triển khai rộng rãi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất nông nghiệp nói chung và hoạt động sản xuất hữu cơ nói riêng, hỗ trợ cho việc triển khai thực hiện Nghị định về nông nghiệp hữu cơ số 109/2018/NĐ-CP đã được Chính phủ ban hành vào ngày 29/8/2018 và góp phần gia tăng giá trị sản phẩm, chất lượng sản phẩm, hàng hoá lưu thông trong nước và xuất khẩu, phù hợp với mục tiêu của Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Tại sao bạn nên chọn Thành Tâm

1. Đối tác chiến lược 2. Purebase Hoa Kì Website http://purebase.com Purebase là tập đoàn về tài nguyên khoáng sản tự nhiên, sản xuất các ứng dụng nông nghiệp và biện pháp cải tạo đất tiến tiến. Purebase cung cấp các giải pháp thân thiện môi với trường mới và cải tiến cho một loạt […]

Xem tiếp
THÀNH TỰU

PHÂN BÓN THÀNH TÂM ĐƯỢC HOA KỲ CẤP BẰNG SÁNG CHẾ Ngày 31/05/22, Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (United States Patent and Trademark Office, viết tắt là USPTO) thuộc Bộ thương mại Hoa Kỳ đã cấp Bằng Độc quyền Sáng chế cho Phân Bón Thành Tâm. Với việc cấp Bằng sáng […]

Xem tiếp
Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ổi

 Cây ổi có tên khoa học là Psidium guajava L. Ổi có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới châu Mỹ, hiện được trồng ở nhiều nơi. Qua quá trình trồng trọt và chọn lọc giống, hiện nay các giống ổi cũng rất phong phú, đa dạng. Ngoài giống ổi thường (Psidium guajava) phổ biến khắp […]

Xem tiếp