Thủ đoạn nhập nhèm thuốc BVTV và phân bón để lừa dân

Những người nông dân trồng tiêu tại các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ đang phải đối mặt với nạn thuốc BVTV. Bỏ tiền mua nhiều loại thuốc nhưng vườn tiêu vẫn chết, gia sản của người nông dân trồng tiêu thì tiêu tan… nhưng vẫn không có cơ quan nào lên tiếng. Vì sao người nông dân lại có thể dễ dàng bị lừa như vậy?

Lập lờ nhãn mác

Như VnMedia đã phản ánh về nạn thuốc BVTV giả, nhái, do được sự tiếp tay của các đại lý bán thuốc BVTV, các loại thuốc nhái, thuốc dởm đã dễ dàng len lỏi vào thị trường. Để che mắt người nông dân, các doanh nghiệp sản xuất thuốc dởm đã “lập lờ đánh lận con đen” giữa thuốc BVTV và phân bón lá để lừa người nông dân. Bởi, quy trình để xin được giấy chứng nhận là thuốc BVTV là vô cùng ngặt nghèo và khó khăn.

Theo quy định, các loại thuốc BVTV muốn được cấp phép lưu hành trên thị trường phải trải qua rất nhiều cửa ải. Như: thuốc phải được các tổ chức quốc tế công nhận; thuốc phải có tên trong danh mục được phép sử dụng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; khi đưa thuốc vào thị trường phải thử nghiệm 1 năm có kết quả tốt mới được Bộ NN & PTNT và Cục Bảo vệ Thực vật cấp phép lưu hành. Quá trình xin cấp phép kéo dài nhiều năm.

Còn riêng đối với phân bón lá quy trình cấp phép rất đơn giản, doanh nghiệp chỉ cần đăng ký loại phân bón được phép sản xuất tại VN và làm thủ tục công bố tiêu chuẩn cơ sở.

Đơn cử, thuốc BVTV Agri – fos 400 (Úc) sản xuất, một loại thuốc được đăng ký đặc trị bệnh chết nhanh, chết chậm và vàng lá, thối rễ trên cây tiêu. Trên thị trường có cả chục loại sản phẩm nhái tương tự từ hình ảnh, nội dung nhãn mác và được gắn với tên na ná như Argi Fose 400, Argi – Phosphonate, Stariphos 400…

Điều đáng nói, trên các loại thuốc nhái này, các công ty sản xuất không ghi rõ nội dung cụ thể, rõ ràng. Có chai vừa ghi là thuốc, vừa ghi là phân bón; có chai không ghi gì. Như sản phẩm Argi – Phosphonate của công ty TNHH SX-TM-DV Hóa Nông (Q. 12, TP.HCM): Trên bao bì ghi phân bón lá cao cấp nhưng phía dưới ghi chế phẩm kháng nấm Phytopthora…

Tương tự, sản phẩm Stariphos 400 do công ty TNHH Ngân Gia Phát (Q. Gò Vấp, TP.HCM) trên nhãn mác ghi phân bón lá tổng hợp nhưng phần hướng dẫn sử dung phía sau chai thuốc lại ghi công dụng ngăn ngừa bệnh chết nhanh chết chậm trên cây tiêu….Thậm chí, có nhiều sản phẩm không ghi là phân bón lá hay thuốc BVTV như Argi Fose 400…

Ông Nguyễn Phú Cường – chuyên gia về thuốc BVTV cho biết, “luật đã quy định rõ trên nhãn mác bao bì sản phẩm , nếu sản phẩm là thuốc thì đơn vị sản xuất phải ghi rõ là thuốc. Nếu là phân bón phải ghi là phân bón. Thế nhưng, trên thị trường có hàng chục sản phẩm nhái ghi không rõ nguồn gốc, chủng loại, không biết sản phẩm là phân bón hay là thuốc. Tôi cho rằng, các cơ quan chức năng phải vào cuộc làm rõ để tránh thiệt hại cho người nông dân”.

Theo chủ một cửa hàng thuốc BVTV ở TP Pleiku, khi nhận sản phẩm để bán, đại lý đều kiểm tra các loại giấy phép. Nếu sản phẩm không có giấy phép thì cửa hàng không nhận bán. Hàng tháng có rất nhiều đoàn kiểm tra, nếu phát hiện ra sản phẩm ghi không rõ nhác mác họ sẽ phạt nhưng là phạt đơn vị sản xuất chứ không phải phạt cửa hàng đại lý.

Núp chiêu bài tổ chức hội thảo để bán thuốc nhái

Theo phản ánh của nhiều hộ nông dân thuộc các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Đắc Lắc… sở dĩ họ được tiếp cận với các loại thuốc nhái này là từ các cuộc hội thảo về thuốc BVTV do các doanh nghiệp tổ chức. Hằng năm, các doanh nghiệp tổ chức rất nhiều cuộc hội thảo, có xã làm mấy chục cuộc hội thảo.

Ông Nguyễn Thế Thảo – Phó chủ tịch Hội nông dân xã Hiệp Hòa, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cho biết, 6 tháng đầu năm 2014, xã đã tổ chức 19 cuộc hội thảo. Về điều kiện, doanh nghiệp muốn tổ chức hội thảo phải xin phép xã và phải xuất trình được đầy đủ giấy phép. Thực tế, những doanh nghiệp làm ăn uy tín họ tổ chức rất tốt, họ còn thực nghiệm tại vườn của nông dân, khi có được kết quả tốt, họ mới giới thiệu sản phẩm. Thế nhưng, tại nhiều địa phương khác, họ dễ dãi cho tổ chức nhiều hội thảo để thu tiền. Họ không quan tâm đến chất lượng thuốc mà chỉ quan tâm họ thu được bao nhiêu tiền. Những công ty làm ăn bát nháo này hoạt động chỉ là chỉ lừa dân. Thậm chí, để nông dân tin, họ cam kết bán sản phẩm chỉ thu có 50% tiền thuốc, số tiền còn lại họ thu sau khi cây tiêu khỏi bệnh. Tuy nhiên, sau khi thu được 50% tiền thì họ cũng cao chạy xa bay người dân không biết tìm ở đâu?….

Theo tìm hiểu của VnMedia, để tổ chức hội thảo, doanh nghiệp phải bỏ ra nhiều chi phí trong đó có khoản tiền chi cho xã để xã đứng ra mời nông dân đến dự hội thảo. Số tiền này trung bình mất cả chục triệu đồng. Chính vì vậy, nhiều xã ham lợi, càng tổ chức nhiều các có thêm nhiều tiền nên đứng ra nhận để tổ chức mà không quan tâm đến thương hiệu doanh nghiệp, chất lượng thuốc có tốt hay không, có được phép lưu hành hay không…Tình trạng này diễn ra phổ biến tại rất nhiều địa phương như Bình Phước, Đắc Nông, Buôn Mê Thuột…. Bác Nguyễn Văn Ánh (nông dân xã Hiệp Hòa, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) cho biết, “ Đi dự hội thảo nhiều quá nên bây giờ mời tôi không đi nữa. Hội thảo giới thiệu nhiều loại thuốc giống nhau quá trong khi điều quan trọng mà chúng tôi cần biết là thuốc nào tốt, thuốc nào không tốt thì người ta lại không đưa ra được. Chính vì vậy, nông dân bây giờ sợ phải đi nghe hội thảo.”

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Kết quả ứng dụng phân bón Thành Tâm…

Chè là loại cây công nghiệp dài ngày được trồng nhiều ởcác tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung Tây Nguyên, đặcbiệt là ở tỉnh Thái Nguyên. Sản xuất chè trong nhiều nămqua đã đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước,đồng thời còn xuất khẩu đạt kim ngạch hàng chục triệu USDmỗi […]

Xem tiếp
Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây mít
Xem tiếp
Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cao…
Xem tiếp